Tạp chí nhà đẹp

Nhà Hạ Long (HL House) với khoảng thông tầng độc đáo giúp kiểm soát nắng, gió theo ý gia chủ

Nhà Hạ Long (HL House) với khoảng thông tầng độc đáo giúp kiểm soát nắng, gió theo ý gia chủ

Sau gần một năm sử dụng, điểm ấn tượng nhất của Nhà Hạ Long (HL House) là mọi thứ vẫn vẹn nguyên như khi mới được thi công xong. 

Ảnh chụp bên trong Nhà Hạ Long sau gần một năm sử dụng
Mái kính linh hoạt giúp giải quyết vấn đề thiếu sáng và bí khí
Nhà Hạ Long được xây dựng trong bối cảnh kiến trúc nhà ở của thành phố Hạ Long bị tác động mạnh bởi quá trình đô thị hóa, dẫn đến việc phát sinh ra những ngôi nhà 3 – 4 tầng sát vách nhau. Từ hình ảnh khảo sát tổng thể đô thị tại vị trí xây dựng công trình, có thể dễ dàng nhận thấy các khối nhà ở xung quanh đều có chung một vấn đề: thiếu sáng và bí khí.


Hình ảnh khảo sát tổng thể đô thị tại vị trí thi công Nhà Hạ Long
Xuất phát từ điểm này, các kiến trúc sư đã quyết định triển khai một ý tưởng: sử dụng mái kính trong suốt cho khu vực giếng trời. Đây cũng là góc lấy được ánh sáng tự nhiên nhiều nhất cho Nhà Hạ Long.


Lớp kính trong suốt được bố trí ở hai bên mái dốc, giúp lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho ngôi nhà
Mái kính tuy rất lớn (khoảng 6 – 7m2 mỗi bên) nhưng vẫn có thể “tắt” hết nắng khi cần nhờ hệ bạt chắn nắng tự động đóng mở được thiết kế phía trên mái kính.
Độc đáo ở chỗ, dù có sử dụng bạt chắn nắng hay không, việc thông gió cho Nhà Hạ Long vẫn được đảm bảo bởi phần mái kính không bị bít kín hoàn toàn. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang – kiến trúc sư chủ trì của Nhà Hạ Long cho biết, vẫn có những khe hở ở khu vực mái kính để gió lùa qua và xử lý vấn đề bí khí, giúp xua tan hơi nóng ẩm từ bên trong nhà. Khe hở có kích thước khoảng 10 – 15cm, phần kính được thiết kế để che phủ lên phần khe hở, tránh được việc nước mưa hắt vào trong nhà.


Cầu thang luôn tràn ngập ánh sáng và ánh nắng vì được thiết kế ngay bên dưới mái kính 


Mái kính trong suốt giúp ánh nắng được phân bổ đi nhiều góc khác nhau 
Tác dụng điều chỉnh nắng gió của mái kính đã được chứng minh bởi sau gần một năm gia chủ chuyển vào ở, cây cối trong Nhà Hạ Long vẫn tươi tốt. Thêm vào đó, các kiến trúc sư cũng bố trí thêm các khoảng không gian mở, cụ thể là: những ô gạch thông gió, ban công, hành lang trong nhà… để giúp kiểm soát nắng, gió tốt hơn.


Mặt tiền với những ô gạch thông gió (bên trái) và ban công (bên phải) giúp kiểm soát nắng, gió tốt hơn


Cận cảnh những ô gạch thông gió ở mặt tiền của công trình


Thiết kế với những khoảng mở khiến công trình khi được chiếu sáng về đêm thêm phần lung linh
Phát triển ý tưởng thiết kế từ mô hình kiến trúc địa phương
Trước đó, kiến trúc nhà ở địa phương đa phần là nhà thấp tầng và sử dụng mái dốc dán ngói. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, mái dốc dán ngói có ưu điểm tạo ra khoảng không bên dưới cao, giúp giảm nhiệt độ trong nhà.
Cho đến hiện tại, nhà ở chủ yếu được xây theo mô hình các khối chồng lớp, nâng tầng cao. Công trình Nhà Hạ Long cũng dựa trên nguyên lý này để phát triển ý tưởng thiết kế, từ đó sáng tạo ra mô hình nhà ở mới.

Từ trái sang: Các mô hình kiến trúc nhà ở Hạ Long sử dụng mái dốc dán ngói trước đó, các mô hình kiến trúc nhà ở Hạ Long hiện tại, và Mô hình kiến trúc Nhà Hạ Long (phần màu đỏ)
Nét đặc biệt trong cấu trúc của Nhà Hạ Long chính là sử dụng hình thức đục khối, chia 1 khối đặc thành nhiều khối nhỏ khác nhau. Điều này giữ được hình thái kiến trúc mái dốc bản địa, nhưng vẫn đáp ứng được những công năng tiện nghi nhất cho ngôi nhà.
Những khối nhỏ được sử dụng làm không gian riêng tư (private space), trong khi không gian chung (public space) giúp gia chủ kết nối với cộng đồng và thiên nhiên.


Phần màu đỏ thể hiện kết cấu không gian chung (public space) và không gian riêng (private space) của ngôi nhà


Không gian chung được thiết kế mở giúp gia chủ kết nối với cộng đồng và thiên nhiên


Hành lang với tầm nhìn hướng về phía đồi núi và sàn kính giúp mang ánh sáng xuống các tầng dưới


Khoảng cách từ sàn nhà tới giếng trời cao khoảng 11 – 12m, điều này trợ giúp đáng kể cho việc đưa gió và ánh sáng tới mọi không gian trong nhà.


Điểm kết nối tầm nhìn giữa các tầng


Cầu thang và hành lang lưu thông nằm ngay dưới giếng trời tràn ngập ánh sáng tự nhiên


Bên trong nhà luôn có sự kết nối với thiên nhiên
Loại gỗ được sử dụng chủ yếu cho cửa và sàn nhà là gỗ lim, trong khi gỗ sồi được lựa chọn để làm nội thất (tủ, kệ…). Tổng chi phí cho đồ nội thất của Nhà Hạ Long chưa tới 700 triệu đồng.


Nội thất bằng gỗ với những gam màu trung tính khiến ngôi nhà thêm phần tinh tế, trang nhã
Có thể nói Nhà Hạ Long là một công trình nhà ở có tỷ lệ hài hòa, những khoảng không gian mạch lạc, rõ ràng và tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Ngôi nhà thích hợp với những hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, những người mong muốn được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, hay những người yêu thích sự gọn gàng, tinh giản.
Thông tin công trình
Diện tích xây dựng: 110m2
Diện tích khu đất: 200m2
Đơn vị thiết kế: Toob Studio
Địa điểm: Cái Dăm, Hạ Long
Năm thiết kế: 2017
Năm hoàn thành: 2019
Nhà thầu: Thaosteel (thép), Gia Long interior (đồ gỗ nội thất), Alis Lighting (chiếu sáng), Minimum Ss (Sofa)
Ảnh: Triệu Chiến
Bài viết: Phương Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *