Tạp chí nhà đẹp

Nhà lọc nắng nhiệt đới / Công ty TNHH Kiến trúc Cộng sinh 

Ánh sáng tự nhiên của ngôi nhà gián tiếp chia đều cho các tầng thông qua giếng trời có mặt cắt hình phễu. Ánh sáng được lấy vào nhà hoàn toàn gián tiếp và đầy đủ cho tất cả không gian trong nhà thông qua mặt kính phía trước, phía sau và các giếng trời kéo dài theo chiều dọc ngôi nhà. Phương pháp lấy ánh sáng phù hợp với một ngôi nhà vùng nhiệt đới. Ngôi nhà như một ống thông gió theo chiều dài ngôi nhà và khí nóng trong nhà dễ thoát ra theo chiều đứng thông qua các giếng trời.

Giếng trời giật bậc xuyên suốt từ mặt tiền vào trong ngôi nhà

Thông tin dự án:
Thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc Cộng sinh (Địa chỉ:  Số 5, Đường Số 5, Phường Tân Phú, Quận 7, TP. HCM. SĐT: (08) 3775 3077 – 090 303 0971. Web: www.kientruccongsinh.com).
Kiến trúc sư chủ trì: Võ Quang Thi

Nhóm thực hiện dự án:  Võ Quang Thi, Nguyễn Thị Nhã Vân, Đỗ Trường Nguyên
Địa điểm: 230 Phạm Thái Bường, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tp.HCM
Nhà thầu: Công ty Xây dựng Thanh An
Chủ đầu tư:  Bà Nguyễn Kim Hoa
Năm thiết kế: 2013
Năm hoàn thành: 2014
Ảnh © Hiroyuki Oki
Tổng diện tích sàn:  439.4 m2

Ánh sáng lấy xéo qua các không gian giật bậc

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, phân thành hai mùa rõ rệt. Mùa nắng nhiệt độ thường cao kèm nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó yêu cầu đặt ra là tìm giải pháp đón nắng phù hợp cho công trình kiến trúc nhằm tiết kiệm năng lượng và tốt cho sức khỏe người sử dụng công trình.

Lam thông gió và lấy ánh sáng vào tất cả các không gian phía sau

Công trình là một căn nhà phố điển hình ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, một trong những môi trường sống trong lành tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà với mặt chính hướng Nam được tạo ra với  mong muốn sống chan hòa cùng thiên nhiên của gia chủ. Vì vậy không gian trong nhà được sắp xếp linh hoạt nhằm chia đều Nắng và Gió cho mọi nơi một cách khoa học.

Ngôi nhà được chừa khoảng vườn phía sau 2m. Tùy theo không gian trong nhà mà ánh sáng được lấy theo nhiều hình thức. Một nguồn ánh sáng là mặt chính hướng Nam. Một nguồn từ vườn sau hướng Bắc xuyên qua cây xanh vào nhà. Một nguồn theo giếng trời dọc chiều dài ngôi nhà, ánh sáng ở đây lấy xéo góc qua các không gian giựt bậc. Một nguồn sáng khác là giếng trời giữa nhà lấy qua một lớp lam thạch cao lọc sáng. Hai nguồn sáng này đã được xử lý để trở thành nguồn sáng gián tiếp.

Dọc theo không gian giật bậc

Tất cả các nguồn sáng này hòa quyện với không gian mở, biến đổi phong phú, trải đều theo chiều dọc và chiều cao của ngôi nhà, tạo nên một thứ ánh sáng gián tiếp dịu dàng nhưng đầy đủ và lan tỏa mang đến sức sống khắp mọi không gian.

Gió và nắng đi xuyên qua cây xanh vào toà nhà tạo không khí mát mẻ

Cùng với ánh sáng là việc giải quyết thông gió trong ngôi nhà. Hai giếng trời bố trí đều theo chiều dọc và suốt chiều cao ngôi nhà đã điều hòa gió hướng Nam vào nhà, len lỏi khắp mọi không gian trong nhà và thông ra ngoài.

Các nguồn sáng hoà quyện cùng các không gian mở

Gió vào nhà từ suốt chiều cao mặt tiền hướng nam, trải đều qua tất cả các không gian trực tiếp hoặc gián tiếp qua giếng trời dọc, một phần thoát ra từ lam thông gió gần mái kính trên giếng trời giữa nhà, một phần khác xuyên qua lớp lam gỗ vào phòng ngủ và đi ra vườn sau.

Phòng ngủ lấy gió trực tiếp hướng Nam và thông ra các cửa sổ bên hông mở ra giếng trời giật bậc phía trước nhà

Không gian của ngôi nhà được sắp xếp nhằm tiết kiệm tối đa năng lượng, và mang  lại môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên trong không gian ở. Ngoài ra giao thông trong nhà đã tạo nên một hành trình qua các không gian biến đổi phong phú, bất ngờ.
 Xem tất cả ảnh trong bài tại đây:

Biên tập: Quỳnh Nga – Kienviet.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *